028 3816 6868 & 0901888822

diaoclongphat@gmail.com

Khởi động đầu tư hàng loạt tuyến đường ven sân bay Long Thành, nhà đất lập mặt bằng giá mới

2018-12-21 22:18:23 | Admin

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngay từ đầu năm 2019, khi triển khai xây dựng dự án sân bay, cũng là lúc phải thực hiện đầu tư xây dựng luôn nhiều tuyến đường xung quanh dự án này với các vùng khác. Trong đó, tỉnh đang làm việc với các bộ ngành và TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án thuộc quyền quản lý của địa phương.

Chưa nói đến thời điểm siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chính thức được khởi công xây dựng, hiện tại huyện Long Thành đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để được công nhận là đô thị loại IV trong năm 2018. Sau đó huyện sẽ tiến hành huy động các nguồn lực đầu tư để trở thành thị xã vào năm 2020.

Với những lợi thế trên, Long Thành sẽ nhanh chóng trở thành thị xã và từng bước hoàn thành các tiêu chí để trở thành thành phố. Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói: “Long Thành đang đợi Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận là đô thị loại IV trong năm nay. Tiếp theo, huyện sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá và lên kế hoạch để thực hiện các tiêu chí để năm 2020 có thể lên thị xã”.

Được biết, khu vực này là nơi tập trung các đầu mối lớn về giao thông của quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Biên Hòa - Long Thành - Vũng Tàu, quốc lộ 51... thì tương lai Long Thành sẽ còn phát triển xa hơn nữa.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian tới, khi một số đường cao tốc qua tỉnh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ có làn sóng doanh nghiệp lớn các nước đến huyện Long Thành cũng như tỉnh để đầu tư trên các lĩnh vực. Khu vực này có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển thành thành phố sân bay. Các doanh nghiệp nước ngoài đa phần rất có kinh nghiệm trên lĩnh vực này và đang muốn đầu tư vào đây.

Để có thể nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu trên, thời gian qua tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương) đã liên tục làm việc cùng nhau để đưa ra phương án đầu tư hợp lý nhất cho các dự án giao thông liên kết vùng, đặc biệt là những tuyến cao tốc kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành trong tương lai.

Chẳng hạn, mới đây UBND TP.HCM đã đề xuất Bộ Giao thông - vận tải kiến nghị Chính phủ cho triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn thành phố. UBND TP.HCM sẽ tạm ứng ngân sách hơn 2.900 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại Đồng Nai, tuyến đường này đang được UBND huyện Nhơn Trạch triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Điểm đầu của tuyến đường từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn thuộc huyện Nhơn Trạch) đến quận 9 (TP.HCM), Tân Vạn, Bình Chuẩn, quốc lộ 22 (tỉnh Bình Dương) và kết thúc tại Bến Lức (tỉnh Long An).

Tổng chiều dài của tuyến đường là 90km, trong đó xây dựng mới khoảng 73km, riêng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài hơn 16km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư. Tổng số vốn khoảng 55.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.630 tỷ đồng.

Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) Cửu Long - đơn vị được Bộ Giao thông - vận tải giao quản lý dự án) kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đơn vị nghiên cứu, khi hình thành tuyến đường Vành đai 3 sẽ kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng tạo thành mạng lưới giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Theo tìm hiểu, đến nay mới có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang chờ đầu tư. Theo Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại 3 điểm là nút giao An Phú, cầu Long Thành và nút giao giữa đường cao tốc với quốc lộ 51.

Lãnh đạo VECE cho hay đã đưa ra phương án về lâu dài cần đầu tư thêm một nhánh cầu Long Thành, mở rộng từ tuyến đường vành đai 2 đến quốc lộ 51 lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm cho đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để chia sẻ lưu lượng xe cho quốc lộ 51 khi đó mới giảm được ùn tắc.

Không chỉ VECE kiến nghị, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt khi xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến đường cao tốc này trở nên rất quan trọng do kết nối các khu công nghiệp với sân bay và cảng biển.

Mới đây nhất, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) đã làm việc với UBND tỉnh và các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, tiến độ chung của dự án là đến tháng 5/2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9/2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7/2020 khởi công dự án. Được biết, kinh phí đền bù của dự án ước tính trên 2 ngàn tỷ đồng, trong đó đoạn qua Đồng Nai chiếm hơn 1.420 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ lâu cũng đang manh nha một dự án giao thông liên kết vùng "khủng" khác. Đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt Tân Sơn Nhất – Long Thành, nằm trong quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó, theo UBND TP.HCM hiện việc kết nối giao thông từ TP.HCM đến sân bay Long Thành tương lai chủ yếu qua tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có khả năng ùn tắc. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Tân Sơn Nhất – Long Thành.

Trong tương lai, tuyến đường sắt này sẽ trở thành một trong những điểm kết nối trọng điểm và xuyên suốt của toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam. Hiện UBND TP.HCM đang làm việc cùng các tỉnh trong vùng để thực hiện điều chỉnh hướng tuyến phù hợp với các quy hoạch hiện hành.

Về những dự án giao thông ven vùng sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang thực thiện những thủ tục liên quan để triển khai đầu tư sớm nhất là trong quý 1/2019. Cụ thể là các tuyến đường: Cầu Mên; Bàu Cạn - Suối Trầu - Cẩm Đường và đường ấp 2, xã Suối Trầu.

Song song đó, UBND huyện Long Thành cũng vừa đề xuất tỉnh sớm bố trí gần 940 tỷ đồng để thực hiện 2 tuyến đường trọng điểm của huyện là đường Long Phước - Phước Thái và tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường.

Trong đó, tuyến đường Long Phước - Phước Thài dài 8,6km, điểm đầu dự án giao với hương lộ 12 Bà Ký và điểm cuối giao với quốc lộ 51. Tổng vốn đầu tư của tuyến đường này trên 528 tỷ đồng. Tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường dài 22km, có điểm đầu dự án giao với đường ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm cuối dự án giao với hương lộ 10 và đường Vành đai 4. Tuyến đường này có tổng kinh phí đầu tư gần 410 tỷ đồng.

Được biết, hầu hết các tuyến đường này đều tiếp giáp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vùng đô thị sân bay trong tương lai.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi những hạ tầng giao thông nói trên được xây dựng và đi vào khai thác sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch. Bằng chứng là từ đầu năm 2018 đến nay, Đồng Nai là địa phương "gặt hái" thành công nhất trong thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Lĩnh vực bất động sản ở Đồng Nai đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tỉnh đang mời gọi các tập đoàn nước ngoài đầu tư các khu đô thị thông minh và hạn chế hình thành các khu dân cư thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm”.

Khảo sát ở nhiều nơi thuộc TP.Biên Hòa, 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành cho thấy, những dự án khu dân cư hiện nay đang được rầm rộ triển khai xây dựng hạ tầng. Một số sàn môi giới tại những khu vực trên cho biết giá bán cũng đã thiết lập một mức mới so với nhiều năm trước.

Đơn cử năm 2015, giá đất dự án khu dân cư ở các xã Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa) khoảng 250-300 triệu đồng/nền, năm 2017 bị đẩy lên 850-950 triệu đồng/nền và hiện đang có xu hướng giảm xuống, song giá vẫn được rao gần 800 triệu đồng/nền. Hay đất nông nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ khu vực giáp huyện Long Thành cách đây 3 năm có giá 600-800 triệu đồng/ha, nhưng năm trước tăng lên 2-2,5 tỷ đồng/ha. Còn tại khu trung tâm Nhơn Trạch, với tâm lý chờ đợi dự án cầu Cát Lái nối với quận 2 (TP.HCM), giá đất nền 4 tháng gần đây có tăng nhưng không cao, khoảng 700-900 triệu đồng/nền...

 

Nguồn: http://cafebiz.vn/khoi-dong-dau-tu-hang-loat-tuyen-duong-ven-san-bay-long-thanh-nha-dat-lap-mat-bang-gia-moi-20181213133818448.chn

Rao vặt

CƠ HỘI ĐẦU TƯ ĐẤT SỔ ĐỎ PHÚ HỮU Q9 GIÁ CHỈ 23TRIỆU/M2 CHIẾT KHẤU 100 - 200TR/SP

Cơ hội đầu tư đất nền sổ đỏ giá chỉ 23tr/m2 cam kết rẻ hơn thị trường từ 5 - 10tr/m2.

BÁN GẤP LÔ ĐẤT NGAY THẢO ĐIỀN QUẬN 2 CHỈ 900 TRIỆU NHẬN NỀN - THỔ CƯ 100% - LH XEM ĐẤT: 0903.346.674

Cần bán gấp đất thổ cư đường Nguyễn Văn Hưởng Thảo Điền đối diện Trường quốc tế ISHCM mới.

Có thể bạn quan tâm

Covid-19 mở ra cơ hội cho nhà đầu tư chắc vốn

Thông tin TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép di chuyển bình thường trở lại từ tháng 10 cùng với việc tái khởi động các hoạt động kinh tế sản xuất khiến nhiều đầu tư BĐS rục rịch trở lại thị trường.

Sôi động giao dịch đất nền, nhà phố tại các tỉnh vùng ven

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, thị trường đất nền, nhà phố tại nhiều tỉnh phía Nam đang đón nhận những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, rở thành phân khúc hút nhà đầu tư hậu Covid-19.

Nguy cơ lạm phát tăng cao, giới đầu tư BĐS sốt sắng ôm tiền đi săn đất nền

Trước nguy cơ lạm phát có thể xảy ra, cơn sốt nhẹ bắt đầu rục rịch xuất hiện tại các thị trường vùng ven như huyện Bình Chánh (Tp.HCM), huyện Châu Đức, Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu)… trong đó những sản phẩm đất nền dao động từ 1-2 tỷ đồng vẫn giữ sức hút lớn.